Sáng ngày 30/11/2020, tại UBND huyện Nam Giang, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã có buổi làm việc với Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Nam Giang về tình hình thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trong 10 tháng đầu năm, phương hướng hoạt động những tháng cuối năm 2020. Đồng chí Phạm Trọng - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam – Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi làm việc.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí A Vô Tô Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện – Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCS huyện; các đồng chí là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Nam Giang, chuyên viên NHCS tỉnh Quảng Nam, cùng đại diện các Hội đoàn thể.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Phòng giao dịch NHCS huyện Nam Giang đã báo cáo về kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện trong 10 tháng đầu năm 2020 và đưa ra phương hướng nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2020. Theo đó, trong 10 tháng đầu năm 2020, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo cấp ủy, UBND các xã, Hội đoàn thể thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Dư nợ các chương tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nam Giang đạt 172.725 triệu đồng, tăng 14.925 triệu đồng so với đầu năm.Tổng dư nợ ủy thác đến 31/10/2020 là 172.725 triệu đồng, chiếm 100% tổng dư nợ với 109 tổ TK&VV còn dư nợ và 4.638 hộ vay; nợ quá hạn 51 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,03%.
Công tác kiểm kiểm tra, giám sát đã được quan tâm thực hiện tại 12/12 xã, 14 Tổ TK&VV và 34 hộ vay, Chủ tịch UBND các xã đã lập kế hoạch và đã kiểm tra hoạt động vay vốn ở 36/50 thôn, 45/109 Tổ TK&VV, 188 hộ vay. Qua kiểm tra, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao hoạt động của NHCSXH trên địa bàn góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn phát triển kinh tế, cải thiện được cuộc sống, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được thì việc triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn còn tồn tại: công tác huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ chức cá nhân và qua Tổ TK&VV chưa đạt kế hoạch đề ra; Trong hoạt động ủy thác: Một số hội, đoàn thể cấp xã chưa chủ động trong việc đôn đốc Tổ vay vốn, người vay trả nợ đến hạn, để tình trạng món vay 2 tháng không hoạt động nhiều, lãi tồn lớn.
Bám sát nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 của huyện và kế hoạch tín dụng năm 2020 của Ngành giao để chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp giữ vững chất lượng tín dụng một cách ổn định, bền vững. Ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, ưu tiên đối với cho vay chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Hội nghị cũng đã thảo luận một số nội dung như: Tình hình thực hiện gửi tiết kiệm qua Tổ TK & VV, tình tình thu nợ đối với một số món vay đã chuyển nợ xấu,…
Đồng chí Phạm Trọng- Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh, Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Trọng- Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh, Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Nam Giang trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như kết quả thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn trong 10 tháng đầu năm 2020. Đồng chí cũng đề nghị trong thời gian tới, các thành viên trong Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Nam Giang cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo quy chế hoạt động của Ban Đại diện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc sử dụng nguồn vốn sau vay và đôn đốc thu hồi nợ quá hạn. Đối với NHCSXH huyện Nam Giang cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH thực hiện cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và tham gia gửi tiền tiết kiệm qua Tổ vay vốn và Tiết kiệm./.