Theo đó, đối tượng áp dụng của Thông tư này gồm: Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP (sau đây gọi là Quỹ bảo lãnh tín dụng); Các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sau đây gọi là bên cho vay); Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo lãnh vay vốn theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP (sau đây gọi là khách hàng); Và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các nội dung chính của Thông tư:
1. Quy định về việc phối hợp giữa bên cho vay và Quỹ bảo lãnh tín dụng trong quá trình thực hiện bảo lãnh, cho vay như:
Trình tự phối hợp giữa các bên trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cho vay và giải ngân đối với khoản vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng; Quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh; Việc phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay và việc hoàn trả nợ vay; Phối hợp về chuyển giao và xử lý tài sản bảo đảm...
2. Quy định về nguyên tắc cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng:
Cho vay bằng đồng Việt Nam đối với các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng đã được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ gốc, trả lãi, trả nợ gốc và nợ lãi khoản vay theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
3. Quy định về lãi suất cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng:
Bên cho vay và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn, trung, dài hạn của khách hàng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, đảm bảo lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng ngành, lĩnh vực của bên cho vay, phù hợp với quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019 và thay thế Thông tư số 05/2015/TT-NHNN ngày 04/5/2015 của Ngân hàng Nhà nước.