Phản hồi thông tin trên Báo điện tử về cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn Quảng Nam
Thứ Năm, 3/04/2025
Phản hồi thông tin trên Báo điện tử về cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn Quảng Nam (24/06/2016)
Ngày 07/6/2016, trên trang web của Báo Điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam có đăng bài “Quảng Nam: Ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, ngân hàng thờ ơ” của tác giả Đình Tăng. Căn cứ nội dung bài báo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam (NHNN) có ý kiến phản hồi như sau:

 

Tàu thép đóng mới đầu tư bằng vốn tín dụng theo Nghị định 67

1. Việc tổ chức triển khai và chỉ đạo của NHNN tỉnh trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với các chủ tàu vay vốn đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn Quảng Nam

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67. Trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể là Ban chỉ đạo 67 của tỉnh Quảng Nam trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng cho vay vốn đối với các chủ tàu đủ điều kiện đóng mới đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Thời gian qua, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức nhiều buổi làm việc tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn và chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tăng cường huy động và bố trí nguồn vốn, tích cực triển khai cho vay đối với chủ tàu theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ;chủ động tiếp cận các chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động các chủ tàu tại các địa phương; hướng dẫn lập hồ sơ, tổ chức thẩm định phương án và tiến hành ký kết hợp đồng tín dụng giải ngân vốn vay cho các chủ tàu để đáp ứng nhu cầu về vốn của ngư dân trong việc đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Bên cạnh đó, NHNN tỉnh thường xuyên kiểm tra, nắm bắt những thông tin về tình hình tổ chức và triển khai cho vay của các ngân hàng thương mại đối với ngư dân, kịp thời xử lý các vướng mắc, kiến nghị từ các chủ tàu và địa phương trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tham mưu Ban Chỉ đạo 67 tỉnh giải quyết các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền và kiến nghị với Trung ương điều chỉnh, bổ sung những nội dung trong chính sách chưa phù hợp với thực tế tại địa phương trong quá trình triển khai chính sách cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ...

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và NHNN chi nhánh tỉnh các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng cho vay phát triển thủy sản theo Nghị 67 của Chính phủ. Chủ động tiếp cận, thẩm định hồ sơ vay vốn và ký hợp đồng cho vay đối với các chủ tàu đảm bảo các điều kiện, quy trình cho vay của ngành và pháp luật quy định.

Tính đến ngày 15/6/2016, Quảng Nam là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc trong triển khai thực hiện Nghị định 67 với 39 chủ tàu được phê duyệt (toàn quốc: 484 và riêng huyện Thăng Bình có 8 chủ tàu) đãký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng theo Chương trình này (trong đó có 19 tàu vỏ thép, 20 tàu vỏ gỗ) với giá trị hợp đồng tín dụng cam kết đầu tư là 382,1 tỷ đồng. Số tiền giải ngân đến nay đạt 296,5 tỷ đồng, chiếm 77,59% số tiền cam kết tài trợ. Các chi nhánh NHTM thực hiện tốt trong việc cho vay Chương trình gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (22 tàu), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (16 tàu) và Ngân hàng Công thương Quảng Nam (01 tàu).

Kết quả đạt được trên đây là sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng trên địa bàn,bên cạnh đó là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành có liên quan, ngành Ngân hàng Quảng Nam đã có những kết quả đáng kể trong việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ trong thời gian qua.

2. Về quyền tự chủ trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và vai trò của ngân hàng Nhà nước

Điều 7 Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 quy định: (1) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.(2) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Quy định của luật các tổ chức tín dụng đã rõ, như vậy việc các Ngân hàng thương mại sau khi thẩm định dự án của chủ tàu cá không hiệu quả thì có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước không “giữ vai trò điều phối” như Báo đã nêu, mà chỉ có vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên cơ sở hồ sơ thủ tục pháp lý và tính hiệu quả của dự án chứ không có quyền can thiệp vào quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với bất kỳ dự án nào.

Hiện tại, trên địa bàn Quảng Nam có 23 chi nhánh ngân hàng thương mại, các ngân hàng này đều đủ tư cách pháp lý và được cho vay các dự án đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân có quyền lựa chọn tùy thích và ngân hàng thương mại đều phải thẩm định kỹ hồ sơ, tính hiệu quả của dự án trước khi quyết định cho vay. Việc các ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt trong danh sách các chủ tàu đủ điều kiện đóng mới theo Nghị định 67 chỉ là một trong những điều kiện bắt buộc để đề nghị ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án đóng mới tàu theo Nghị định 67 mà thôi, chứ không thể khẳng định cứ được phê duyệt là được vay vốn.

3. Về thông tin đối với các ngư dân tại huyện Thăng Bình giao dịch với các ngân hàng vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ theo phản ảnh tác giả Đình Tăng

Theo quy định của ngành, bất cứ khoản đầu tư tín dụng nào cũng phải thực hiện đúng quy trình một cách bài bản từ khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định dự án/phương án có khả thi hay không, xét duyệt hồ sơ, đánh giá năng lực tài chính, năng lực thực hiện dự án của khách hành...rồi sau đó mới chấp nhận hoặc từ chối cho khách hàng vay. Với những trình tự thực hiện như vậy đòi hỏi phải cần có thời gian nhất định, nhất là những dự án có giá trị đầu tư vốn tín dụng cao, vốn tự có ít và thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đóng mới tàu thép đánh bắt xa bờ thì cần thêm nhiều thời gian hơn và đòi hỏi có cán bộ kinh nghiệm để thẩm định dự án...

Đối với các trương hợpnêu tại bài báo, qua tìm hiểu thông tin tại các ngân hàng cho thấy:

- Tại Agribank chi nhánh Thăng Bình, các ngư dân đã đến nộp hồ sơ đề nghị vay vốn và được cán bộ tín dụng tiếp nhận tiến hành thẩm định để quyết định cho vay. Kết quả thẩm định cho thấy dự án đầu tư không hiệu quả sau khi phân tích về chi phí, doanh thu, khấu hao tài sản... nên đã quyết định không đầu tư vào dự án và hoàn trả hồ sơ lại cho chủ dự án theo các biên bản giao nhận giữa Agribank Thăng Bình và ông Trần Công Mậu (ngày 15/04/2016); ông Trần Công Phô (ngày 05/5/2016); ông Lê Đức Rí (ngày 23/02/2016). Các hồ sơ của ông Nguyễn Văn Cứ, ông Trần Văn Thanh đang tiếp tục thẩm định và sẽ có kết quả trả lời cụ thể đối với chủ tàu.

- Tại BIDV Quảng Nam:

(i) Đối với các ngư dân trước đó đã nộp hồ sơ cho Agribank, Vietinbank nhưng bị từ chối, BIDV Quảng Nam đã có yêu cầu các ngư dân cung cấp văn bản từ chối của Agribank, Viettinbank đối với từng trường hợp cụ thể. Do đó BIDV từ chối tiếp nhận các hồ sơ này từ ban đầu, nhưng do các ngư dân cam kết sẽ bổ sung cho BIDV, nhưng cho đến nay BIDV vẫn chưa nhận được các văn bản này.

(ii) Đối với trường hợp của Trần Công Mậu và Trần Công Phô, vì 2 hồ sơ này đều được nộp gián tiếp cho BIDV qua bên thứ ba, và bản thân 2 ngư dân này cũng chưa tiếp xúc trực tiếp với BIDV nên Ngân hàng đánh giá 2 ngư dân này không có thiện chí cũng như không quyết tâm để thực hiện dự án theo NĐ 67 của Chính phủ.

(iii) Đối với thông tin khách hàng đã nộp hồ sơ từ 10 tháng trước nhưng chưa được ngân hàng trả lời, BIDV xin báo cáo làcác hồ sơ này khách hàng nộp tại BIDV vào thời điểm cuối tháng 02/2016. Tuy nhiên BIDV chờ các văn bản từ chối của các ngân hàng khác nên chưa tiến hành thẩm định hồ sơ và trả lời từng trường hợp cụ thể. BIDV sẽ phản hồi lại cho khách hàng từng trường hợp cụ thể trong thời gian tới.

 

Đối với các trường hợp ngư dân “bán tàu để đối ứng vốn vay”như Báo đã nêu, thực chất vấn đề này cần phải xem lại, vì rằng: Tàu là tài sản riêng có của ngư dân, ngư dân có quyền định đoạt tài sản của mình và sử dụng đồng tiền thu về theo ý chí chủ quan của mình. Không có bất cứ ngân hàng nào buộc ngư dân phải bán tàu để làm vốn đối ứng để không còn phương tiện hành nghề mưu sinh... Vấn đề ở chỗ cần phải biết sử dụng đồng vốn như thế nào và trong bất cứ tình huống cũng cần phải bình tĩnh, cân nhắc trước khi quyết định vấn đề.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển thủy sản theo Nghị định 67 của Chính phủ là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, ngành Ngân hàng luôn coi trọng và tập trung thực hiện một cách có hiệu quả nhất nội dung của chính sách. Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Quảng Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con ngư dân được vay vốn thực hiện ước mơ đóng mới, nâng cấp những con tàu hiện đại, công suất lớn thay đổi tư duy cũ vốn đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản gần bờ để đủ sức vươn khơi xa, bám biển, làm kinh tế phát triển xã hội, tăng thu nhập cho gia đình bằng chính nghề đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

                             

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Nam

Lượt xem:  8,985 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa

Văn bản chỉ đạo điều hành

thủ tục hành chính
nhận biết tiền giả

Ảnh hoạt động

Thăm dò ý kiến

Theo bạn giao diện website này như thế nào