Hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng không đúng quy định - phạt đến 600 triệu đồng
Hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng không đúng quy định - phạt đến 600 triệu đồng (21/11/2014)
Hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép thì sẽ bị phạt từ 500-600 triệu đồng. Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật thì sẽ bị phạt từ 450-500 triệu đồng.

Ngày 17/10/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2014/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng;

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2014 và thay thế Nghị định số 202/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Nghị định số 95/2011/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP.

Theo đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng ở mức từ 500 lên đến 600 triệu đồng.

Về mức phạt đối với vi phạm về hoạt động ngoại hối quy định:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: (i) Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; (ii) Niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; Không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên; Chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quang; Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau; mua, bán ngoại tệ không đúng tỷ giá quy định của Ngân hàng Nhà nước; thu phí giao dịch không đúng quy định của pháp luật;…

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ; Quy đổi mệnh giá đồng tiền quy ước không đúng quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, doanh nghiệp kinh doanh casino...

- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; Giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; Xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép…

- Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam đối với hành vi vi phạm; Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký Đại lý đổi ngoại tệ trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng …

Ngoài ra, Nghị định 96 cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh vàng như:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; khối lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch; Có niêm yết giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng; Vi phạm trách nhiệm của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi về mạng lưới chi nhánh, địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng theo quy định của pháp luật; Mua, bán vàng miếng tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ mà không đáp ứng đủ điều kiện được phép kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định của pháp luật; Thực hiện gia công vàng trang sức, mỹ nghệ mà không có đăng ký gia công vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng không đúng quy định của pháp luật; Thực hiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi không đáp ứng, duy trì bảo đảm các điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ…

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; Thực hiện kinh doanh mua, bán vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm; Xuất khẩu, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm không đúng theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: …

- Phạt tiền từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; Sử dụng vàng nguyên liệu nhập khẩu không đúng theo giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ …

- Phạt tiền từ 350.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động sản xuất vàng miếng không đúng quy định của pháp luật.

- Phạt tiền từ 450.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Thực hiện xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật; Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

- Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số vàng đối với hành vi vi phạm quy định…

Nghị định 96 cũng quy định đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm ngày 12/12/2014, mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP và Nghị định số 95/2011/NĐ-CP để giải quyết.

                                                                        Phòng Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ

Lượt xem:  1,066 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn bản chỉ đạo điều hành

thủ tục hành chính
nhận biết tiền giả

Ảnh hoạt động

Thăm dò ý kiến

Theo bạn giao diện website này như thế nào