Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ươngvề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01/9/20111 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 24/4/2013 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, kết quả cho vay phát triển nông nghiệp, nông dân, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Quảng Nam đã góp phần thực hiện thành công đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, các chủ trương chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đầu tư tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Nam thực sự là một đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, mở ra một thị trường mới từng bước xóa các tệ nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, tạo cơ hội cho các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước tỉnh
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, trong những năm qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã tham mưu cho UBND, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQGxây dựng nông thôn mới của tỉnh trong việc triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới tại địa phương; phối hợp với các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội triển khai, tuyên truyền cơ chế, chính sách và các chương trình tín dụng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.Cùng với đó là chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; nắm bắt kịp thời tình hình cho vay phục vụ xây dựng nông thôn mới của các tổ chức tín dụng và thực hiện hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng vay vốn trên địa bàn.Gắn việc đầu tư xây dựng theo các tiêu chí quốc gia về nông thôn mới với triển khai thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP (từ 7/2015 được thay thế bởi Nghị định 55/2015/NĐ-CP) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,nông thôn và Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ. Hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011.
Những kết quả đạt được
Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD trên địa bàn triển khai các giải pháp tín dụng, mở rộng cho vay theo mục tiêu tăng trưởng dư nợ hàng năm nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả, gắn kết với triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu theo chủ trương của Chính Phủ, UBND tỉnh. Trong đó, vốn tín dụng được đặc biệt quan tâm, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và cho vay Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối tháng 9/2016, dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 7.563 tỷ đồng, chiếm 18,53% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh. Bên cạnh đó, cùng với việc mở rộng số xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tín dụng đầu tư cho nông thôn mới có sự gia tăng rõ rệt qua các năm, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay nông thôn mới bình quân các năm (2010-2015)là 14,82%/năm. Doanh số cho vay bình quân là995,8 tỷ đồng/năm. Nếu năm 2010 doanh số cho vay nông thôn mới là 9,3 tỷ đồng với 1.499 khách hàng thì đến cuối năm 2015, doanh số cho vay đạt đến3.540,9 tỷ đồng.Và đến cuối tháng 9/2016, tổng dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt 7.149 tỷ đồng, chiếm 17,51% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh, tăng 25,11% so với đầu năm và tăng hơn 630 lần so với năm 2010 (thời điểm bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng nông thôn mới) với hơn 239 nghìn khách hàng là hộ gia đình, doanh nghiệp và hợp tác xã còn dư nợ. Thông qua nguồn vốn vay tín dụng, các doanh nghiệp tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn, sản xuất kinh doanh; các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng quy mô, diện tích nuôi trồng, phát triển các ngành nghề dịch vụ…không chỉ góp phần tăng năng suất, sản lượng lương thực, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển…mà còn giúp các địa phương hoàn thành các các tiêu chí: hộ nghèo, thu nhập và nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài đóng góp cho phát triển kinh tế, ngành Ngân hàng Quảng Nam cũng đã tích cực đóng góp cho công tác an sinh xã hội, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, tổng số tiền hỗ trợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 242 tỷ đồng với các chương trình như: Xây dựng nhà ở, trạm y tế, trường học; chương trình Bảo trợ trẻ em; Tết vì người nghèo và nhiều chương trình khác…góp phần cùng địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, cải thiện đời sống và thu nhập của người dân.
- Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cân đối và tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên trong đó có cho vay xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; vay vốn theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ…
- Các TCTD cần tiếp tục chủ động, bám sát tham gia tích cực, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả, thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Chính phủ; tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ tín dụng am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, thị trường nông sản trong thẩm định các dự án cho vay.
- Xác định nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Do vậy, chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay một cách tốt nhất.
- Chính quyền địa phương cần có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn, tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, rà soát lại quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ, có hiệu quả cho khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư.
- Duy trì sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp và các tổ chức chính trị xã hội, tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới gắn với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ và tín dụng đầu tư xây dựng nông thôn mới, góp phần đảm bảo thực hiện thành công các tiêu chí về Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ./.